Hiện nay, một cân nhụy nghệ tây rơi vào khoảng 10.000 USD, tương đương 230 triệu đồng. Mức giá này vượt xa so với loại hương liệu đắt đỏ thứ hai trên thế giới là quả vanilla (có giá khoảng 28 triệu đồng/kg).
Để thu hoạch Saffron – nhụy hoa nghệ tây, cần rất nhiều nhân công, từ khâu hái hoa đến khâu đóng gói. Quá trình thu hái phức tạp, công phu cùng với màu sắc và hương vị đặc trưng đã khiến cho Saffron – nhụy hoa nghệ tây trở thành thứ gia vị đắt đỏ bậc nhất, được mệnh danh là “vàng đỏ”. Nó được sử dụng trong nhiều căn bếp trên khắp thế giới, là thuốc nhuộm tự nhiên và được ứng dụng rộng rãi trong y học.
Công việc thu hoạch Saffron – nhụy hoa nghệ tây cần rất nhiều lao động hái hoa, tách lấy nhụy hoa và phơi khô chúng. Tất cả các công đoạn trên đều được thực hiện thủ công, để không làm hỏng nhụy hoa và các bộ phận khác của cây. Mỗi bông hoa nghệ tây thường có ba nhụy màu đỏ sẫm và phải dùng tay mới tách ra được.
Một yếu tố nữa ảnh hưởng đến quá trình thu hoạch nhụy hoa nghệ tây đó là ánh sáng và độ ẩm không khí. Ánh sáng trực tiếp của mặt trời và độ ẩm không khí cao đều có thể phá hỏng cấu trúc hóa học của nhụy hoa, làm thay đổi hương vị và chất lượng của sản phẩm. Vì thế nghệ tây thường chỉ được thu hoạch vào lúc sáng sớm. Thời gian thu hoạch ngắn khiến cho sản lượng nhụy hoa thu được không nhiều. Điều này đã khiến cho giá nhụy nghệ tây bị đẩy lên rất cao.
Nghệ tây được trồng ở nhiều nơi trên thế giới như Ma rốc, Tây Ban Nha, Ý, Hà Lan, Afghanistan, Ấn Độ và thậm chí là Mỹ. Mặc dù nhiều người Mỹ chẳng bao giờ dùng nghệ tây để chế biến món ăn nhưng quốc gia này đã phải nhập khẩu khoảng 23 tấn nghệ tây năm 2013 (con số này tăng lên 46 tấn năm 2016).
Quốc gia đang có sản lượng nhụy hoa nghệ tây lớn nhất thế giới hiện nay là Iran, chiếm hơn 90% sản lượng của thế giới. Những cánh đồng khô cằn cùng với khí hậu lạnh của Iran là điều kiện vô cùng thích hợp cho sự sinh trưởng của cây nghệ tây. Thêm vào đó Iran còn sở hữu nguồn nhân công giá rẻ dồi dào mà chủ yếu là phụ nữ. Họ làm việc ở nông trại từ 5 giờ sáng đến 4 giờ chiều, và được trả tối đa 5 đô cho mỗi ngày công.
Vậy, điều gì đã làm nên sự kì diệu của nhụy hoa nghệ tây?
Trong nhiều thế kỉ qua, nhụy hoa nghệ tây là một nguyên liệu không thể thiếu trong ẩm thực châu Âu. Mùi hương đặc thù của nghệ tây là mùi cỏ khô thoang thoảng với một chút hương ngọt của mật ong. Do có mùi vị và hương thơm đặc trưng nên chỉ cần một chút nhụy nghệ tây cũng đủ để làm dậy mùi món ăn.
Người Iran sử dụng nghệ tây trong nhiều món ăn hàng ngày. Các loại bánh ngọt có sữa, cơm risotto của Ý, món xúp cá bouillabaisse của miền nam nước Pháp, món thịt bê nhồi của người Bồ Đào Nha, thịt cừu nướng nhét tỏi của dân Hy Lạp cũng như là món paella của người Tây Ban Nha, đều có dùng nhụy hoa nghệ tây làm gia vị.
Nhụy hoa nghệ tây chứa nhiều thành phần hóa học quý như: picrocrocin, crocin và safranal. Đây là ba thành phần tạo nên mùi thơm, vị đắng và màu sắc đặc trưng của nhụy nghệ tây. Những nhà nghiên cứu trong lĩnh vực y học cổ truyền của Iran đã đưa ra rất nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh được công dụng tuyệt vời của Saffron – nhụy hoa nghệ tây như làm thông mạch và rất tốt cho các bệnh nhân bị bệnh động mạch vành; những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch.
Ngoài ra, nghệ tây còn có đặc tính chống ung thư và là một hoạt chất dùng trong ngành y học để sử dụng cho những người mắc các căn bệnh về tâm lý, giúp giảm căng thẳng, làm cho tinh thần con người luôn cảm thấy sảng khoái và vui vẻ. Vài nghiên cứu gần đây còn cho thấy nó có thể giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh Alzheimer và PMS (hội chứng tiền kinh nguyệt).
Thật ra, trong quá khứ người ta đã từng thử dùng nghệ, hoa cúc và nhụy hoa ly để thay thế cho nhụy hoa nghệ tây nhưng mùi vị của những loại nguyên liệu này hoàn toàn khác biệt. Do đó có thể khẳng định nhụy nghệ tây là loại gia vị không thể thay thế được. Điều đó giúp giải thích một phần nào đó cho sự đắt đỏ của nhụy nghệ tây, bên cạnh quá trình thu hái đầy kì công.
Nguồn: Cafef
Các bạn click vào đây để dạo cửa hàng Saffron Kashmir, Ấn Độ của Desi một vòng nha.
(Saffron Kashmir, Ấn Độ tuy không được truyền thông mạnh ở Việt Nam nhưng trên thế giới lại được đánh giá là Saffron tốt nhất do khí hậu và độ cao lý tưởng.)