Ấn Độ là đất nước cổ xưa và huyền bí mang trong mình một nền văn hóa đa dạng, đa sắc tộc, đa tín ngưỡng, đa tôn giáo.
Sự lôi cuốn của Ấn Độ khó mà cưỡng lại với những người đam mê tìm hiểu nhưng lại mang lại một sự sợ hãi khi ta đọc những thông tin về đất nước còn nhiều xung đột và hủ tục này.
Khi biết về Ấn Độ, càng đọc và tìm hiểu đất nước này, mình đã bị lôi cuốn một cách mạnh mẽ bởi sự huyền bí không giải thích được. Muốn “vác mông lên đường” thì bị giữ lại bởi những thông tin cực kỳ hung dữ như nạn cưỡng hiếp, bạo động… xảy ra nhiều nơi trên đất nước này, càng đọc thì cái ý định đi Ấn Độ ngày càng nhạt nhòa trong tâm trí.
Hỏi những người xung quanh, thì những kết luận cũng không khác gì, nhưng rồi khi mình hỏi mọi người:
– Anh (chị) đã từng đến Ấn Độ vào thời gian nào?
– Chưa, đến cái đất nước ghê sợ đó làm gì!?
Àh, thì ra người ta cũng chưa đến đó, người ta chỉ nghe đồn thổi và tin là như vậy.
Năm 2013 mình quyết định book tour và đi, lần đầu tiên đến Ấn Độ, cái ấn tượng đầu tiên là “dơ bẩn và nghèo nàn” vì mình không biết rằng vùng đất đầu tiên mình đặt chân đến là Bihar, vùng đất vốn mang nhiều tranh chấp do sắc màu tôn giáo và cũng là nơi bị tàn phá bởi lũ lụt vào mùa mưa.
Trước vùng đất nhếch nhác, những con người luộm thuộm mình cũng chẳng thể biết gì nhiều hơn ngoài những thông tin của hướng dẫn viên cung cấp cho mình bởi lịch trình di chuyển dày đặc và những du khách đồng hành cũng rỉ tai nhau: “Con gái thì đừng ra đường một mình ở Ấn, bị cưỡng hiếp tập thể đấy.” Mình cũng hỏi:
– Vậy chị đã từng ra đường một mình ở Ấn chưa?
– Chưa, dại gì mà ra, chị sợ lắm.
Àh, thêm một lần nữa, cái thông tin vẫn chỉ là đồn thổi. Thế mới biết sức mạnh của công nghệ trong thời nay mạnh mẽ đến thế nào, người ta có thể sợ hãi và đồn thổi về những điều người ta từng nghe qua, dù có kiểm chứng hoặc không.
***
Tháng 7/2014, mình quyết định quay trở lại cái đất nước “dơ bẩn và ghê sợ” này và đương nhiên là với hành trình “bụi một mình”.
Tháng 12/2015 mình lại trở lại lần nữa với một hành trình đầy ngẫu hứng.
Tháng 8/2016, lại một sự thôi thúc không thể giải thích, mình lại tiếp tục quay trở về Ấn, vẫn là một mình với 2 tháng lang thang trên cái đất nước kỳ lạ này.
Sự dơ bẩn vẫn còn nguyên đó, sự sợ hãi vẫn còn nguyên đó nhưng mình khám phá ra nhiều điều mới mẻ bởi hành trình tự đi.
Mình chưa thấy nơi đâu có nhiều sự đối nghịch như Ấn Độ, trước sự sang trọng và xa hoa ở New Dehli mình vẫn cứ ám ảnh bởi sự nhếch nhác dơ bẩn ở Bihar. Những con người giàu có và đầy kiêu hãnh ở Shimla khác xa với những người ăn xin đầy bệnh tật ở Patna. Những con người chân chất và hiếu khách ở Ladakh lại làm mình nhớ đến những con người ở Mumbai…
Đi qua càng nhiều vùng đất ở Ấn Độ, mình càng khám phá nhiều về những điều mình chưa biết về nơi này.
Mình nhớ đến một câu của Mark Twain: “Mỗi khi bạn nghĩ là mình đã tìm hiểu hết những tính cách lạ lùng của đất nước này và muốn cho nó một danh hiệu nào đó: “xứ xở của dịch hạch”, “xứ sở của nghèo đói”, “xứ xở của những ảo giác khủng khiếp”, “xứ xở của những ngọn núi cao ngất”… thì lại sớm phát hiện ra những tính cách mới và bạn thấy cần những danh hiệu mới”. Cuối cùng Mark Twain thấy hay nhất là vứt bỏ mọi danh hiệu và đặt tên Ấn Độ là “xứ xở của sự diệu kỳ”.
Mình cũng vậy, chưa bao giờ mình có thể khám phá hết Ấn Độ, cái đất nước cổ xưa huyền bí. Có lẽ, mình sẽ quay trở lại để biết thêm một vài danh hiệu của “xứ xở của sự diệu kỳ” này.